Thứ Ba, 07/05/2024 14:43:00 GMT+7
Di tích lịch sử cấp Thành phố Miếu Đồng Quan
Lượt xem: 223
Di tích lịch sử cấp Thành phố Miếu Đồng Quan, xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Miếu Đồng Quan, xã Dũng Tiến thờ vị chủ thần là Thiên Quan chi thần, Phạm Phủ quân chi thần và Long Linh tôn thần.
Theo truyền thuyết dân gian và thần tích còn lưu truyền lại thì Vị Thiên Quan Chi thần là thủy thần, vốn là con vua Thủy Tề ở biển Đông Hải (tên dân gian thường gọi là Vua Láng).
Miếu Đồng quan thờ vị thứ hai là Phạm Phủ quân Chi thần. Đây là một nhân vật lịch sử có thật. Ông tên là Phạm Viết Kính, là quan thời Mạc chức đến Tả Tướng quân đô đốc - Quận Kỳ Đông. Phạm Viết Kính là người làng Đồng Quan, huyện Vĩnh Lại, Phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, thuở nhỏ là người nổi tiếng có đức hiếu kính với cha mẹ, lại có tài lặn lội trên sông nước, lớn lên ông theo nhà Mạc, cầm quân dẹp loạn và được vua Mạc phong là Tả Tướng quân đô đốc - Quận Kỳ Đông. Sau Nhà Mạc suy, ông theo về nhà Lê và được phong là Quận Công (Lê triểu quận công). Đương thời ông làm quan coi trị vùng đất Đồng Quan, phủ Vĩnh Lại rất chăm lo cho chúng dân, ông có công khai thông thủy lợi, phát triển nông nghiệp, mở mang chợ búa - thương nghiệp (Chợ Mét). Ông còn huy động thân vương hoàng tộc nhà Mạc dựng chùa Đồng Quan (Bảo Quang tự) để thờ Phật cứu độ chúng sinh, được dân chúng yêu mến. Sau khi mất, ông được triều đình sắc phong làm thành hoàng làng Đồng Quan, được thờ ở đình làng. Các triều đại phong kiến về sau phong ông là Tuấn Hưng Nghĩa dũng Uy Linh Phạm phủ quân chi thần.
Vị thứ 3 được thờ tại miếu là Long Linh tôn thần. Đây là vị thổ thần mà nhân dân làng Đồng Quan tôn thờ trong miếu để nói đến đây là vùng đất tốt có long mạch và chốn linh địa... Miếu Đồng Quan từ khởi thủy thờ vị thần Thiên Quan chi Thần và thờ tại vị trí nay là hậu cung của Miếu, vốn là gò đất xưa.
Miếu còn phối thờ vị thổ thần của làng là Long Linh thiên quan tôn thần. Ban thờ không có tượng mà chỉ là một ngai đá mang tính biểu tượng.
Ban đầu miếu chỉ là một kiến trúc đơn sơ. Đến thế kỷ XVI, khi một Quận công Phạm Kỳ Đông được triểu đình giao coi sóc vùng đất này và có nhiều công lao với nhân dân, nên khi mất ông được người dân đưa vào phối thờ cùng vị Thiên quan tôn thần. Miếu đã được tu sửa nhiều lần mà dấu tích còn nhận thấy rõ là bộ vì kiến trúc có niên đại vào năm Duy Tân thứ 9 (1898). Trải qua các triều đại, cùng với việc tu sửa miếu. Các vị thần ở Miếu Đồng Quan đều được triều đình phong kiến phong tặng các mỹ tự để nhân dân tôn thờ. Hiện nay Miếu Đồng Quan còn lưu giữ được 5 sắc phong: Tự Đức năm thứ 6 (1854), Tự Đức năm thứ 10 (1858), Đồng Khánh năm thứ 2 (1888), Duy Tân năm thứ 3 (1910), Khải Định năm thứ 9 (1924). Kiến trúc Miếu ngày nay là dấu tích còn lại vào thời Nguyễn và được tu sửa vào năm 2007. Năm 2009, nhân dân vận động công đức tu sửa tòa Tiền cung, xây dựng phần tường bao và lợp lại ngói.
Với những giá trị lịch sử đầy ý nghĩa, ngôi Miếu Đồng Quan được UBND thành phố xếp hạng di tích là di tích lịch sử cấp thành phố năm 2013./.