An Bồ thuộc xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng có diện tích gần 2km2. Phía Bắc nằm kề bên Sông Luộc chi nhánh của Sông Thái Bình, phía Nam liền kề làng Xuân Bồ, phía Đông sát đường QL10 bên cạnh làng Lác xã Giang Biên, phía Tây giáp với Đan Điền, Cự Lai.
Làng có tên gọi muộn nhất là trước thế kỷ XV tên gọi đầu tiên là làng Cổ Miệt, sau một thời gian đổi thành làng An Miệt, có thời còn gọi tên là làng Yên Bồ, ngoài ra còn có tên nôm là làng Mét. Trước năm 1838 làng An Bồ thuộc huyện Tứ Kỳ, Phủ Hạ Hồng, Trấn Hải Dương. Tiếp sau một thời gian thì đổi tên là xã An Bồ, Tổng An Bồ, phủ Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Cái tên đó còn kéo dài đến trước tháng 8 năm 1945. Phương ngôn có câu "Cổ An Miệt, Kim An Bồ, Kim Cổ Đồng Thanh Diệc Như Nhất" nghĩa là xưa An Miệt, nay An Bồ, trước nay cùng nhau gọi như một. An Bồ quê nhà khoa bảng ĐÀO VĂN HIỄN đỗ đồng tiến sỹ năm 1463 đầu thế kỷ XV làm quan nhà Lê đến chức thượng thư bộ hình, ông từng đi sứ nhà Minh, phần mộ hiện còn ở quê gọi là Mả Nghè.
Con người sinh ra và lớn lên từ làng An Bồ là những con người khỏe mạnh, cường tráng, giàu nghị lực, giàu lòng nhân ái, giàu trí sáng tạo đã làm nên nhiều công trình cải tạo đồng đất quê hương, khai mương làm thủy lợi để đảm bảo cho giao thông thuận tiện cho sản xuất trồng trọt có năng suất ngày càng cao. Nhân dân có cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Đời sống tinh thần ngày càng phong phú tạo nên nhiều công trình văn hóa như: Đình, Chùa, Miếu, Đền, Nhà Thờ Vv... Đó là những di sản văn hóa để lại cho muốn đời sau. Làng xưa cách đây hơn 600 năm, dân còn ít, sống thưa thớt, con người chân thật, cuộc sống đơn giản giàu tình thương. Dưới con mắt nhìn xa trông rộng của các cụ cao niên cùng các vị chức sắc trong làng đã chọn một khu đất cao ở phía Tây làng, đồng thời đào một con sông rộng, sâu, của đổ thẳng ra sông cái để lấy nước phù sa cho cánh đồng làng hàng ngàn mẫu. Từ cửa sông con nhìn về phía bên kia là ngã ba sông có thị trấn Ninh Giang Hải Dương, tỉnh Thái Bình, một ngả đi về thành phố Hải Phòng rất thuận tiện cho thuyền bè giao thông qua lại, mở rộng việc vận chuyển trao đổi hàng hóa, chính tụ điểm này làng gọi là chợ Mét tạo điều kiện thuận lợi cho dân trong làng, trong xã, trong tổng mở rộng thị trường mua bán hàng hóa trao đổi các sản phẩm nông nghiệp do nhân dân làm ra, bán đổi thóc gạo, ngô khoai, tôm cá, lợn gà, mắm muối, vải vóc, chiếu, cói vv... Trong làng, trong tổng, nhiều vùng trong huyện đã có bài ca truyền ngôn về các phiên chợ "Một râu, hai mét, ba ngà, tư cầu, năm tráng sáu đà lại râu, bảy ngà tám mét chín cầu, mồng mười chợ tráng một về với râu".
Có thể nói mảnh đất An Bồ là nơi giàu giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo.