image banner
Năm 2023 đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
Đình Thượng Lộc, xã Dũng Tiến – điểm đến du lịch tâm linh
Lượt xem: 68

Đình Thượng Lộc thuộc thôn Đan Điền, xưa kia Làng Đan Điền là một vùng đất do dòng sông Luộc, sông Chanh bồi đắp phù sa, đây là một làng cổ có tên nôm là làng Vẽo, có lịch sử lâu đời. Từ trung tâm thành phố theo đường 10, hướng đi Vĩnh Bảo, qua cầu Quý Cao rẽ phải đến địa phận xã Dũng Tiến, đình Thượng Lộc nằm thôn Đan Điền ở trung tâm xã Dùng Tiến. 

Ba vị thần được nhân dân phụng thờ từ lâu đời tại miếu Triều Rồi ven sông. Theo truyền thuyết còn lưu truyền trong dân gian thì vị Cao Sơn là một nhân vật thời Hậu Lý, quê ở vùng Yên Tử. Ông là người có sức khỏe và võ nghệ cao cường. Khi đi ngao du, đến vùng đất này rộng lớn, màu mỡ nên đã ở lại và đặt tên vùng này làng Vẽo, sau đổi là Đan Điền (có nghĩa ruộng đất tốt). Sau này ông về quê tập hợp 5 dòng họ đến đây để dựng làng ấp, sinh cơ lạc nghiệp. Sau khi mất, ông được nhân dân lập miếu thờ. Vị Hồng Linh tôn thần, theo dân gian, đây là một tướng quân đánh trận bị hy sinh, sau trôi về bãi Triều Rồi ven sông, nhân dân lập miếu thờ. Vị Linh phù chi thần là một tướng quân đánh giặc được nhân dân thờ vọng. Các đời vua về sau nhân vì có công lao mà sắc phong.

Đình Thượng Lộc ban đầu được dựng gần khu bờ sông, sau vì bị mưa gió đình bị đổ phải chuyển về vị trí hiện nay. Căn cứ vào những viên gạch vô tại đình thì đình Thượng Lộc có thể được dựng từ thời Hậu Lê, khoảng thế kỷ 17 - 18 cùng thời điểm dựng chùa Phả Quang. Văn bia chùa Phả Quang tự có niên đại năm Chính Hòa thứ 13 (năm 1692) . Đến thời Nguyễn, năm Duy Tân thứ 3 (1909) đình được tu sửa lại nhiều lần. Thời điểm này, đình Thượng Lộc là một kiến trúc chữ Đinh gồm tòa Tiền bái 5 gian, chéo đao tàu góc, mái bờ giải. Hậu cung là kiến trúc 3 gian, trên bệ cao nhất đặt tượng thờ thành hoàng, có 2 long ngai ở hai bên. Đình có giếng nước phía trước, nước rất trong. Trong khuôn viên đình có văn chỉ. Đến năm 1950, du kích vùng Tứ Kỳ (Hải Dương) bơi qua sông sang thôn Đan Điền và tập trung tại đình để phục kích Pháp, vì vậy đình bị giặc Pháp dùng súng cối bắn cháy. Năm gian tiền bái bị đổ, chỉ còn phần hậu cung. Năm 2009, nhân dân tu sửa lại đình như hiện nay. Đình Thượng Lộc hiện nay có kiến trúc chữ Đinh, hướng đông. Đình nằm ở phía tây nam sông Luộc. Tiền bái là tòa nhà 5 gian phục dựng vào năm 2009 kiểu tường hồi bít đốc, hồi trụ đấu, tay ngai; bên trong kiến trúc vì chồng rường giá chiêng. Bài trí Tiền bái, gồm: Ở trung tâm là một nhang án lớn, hai bên là đôi hạc gỗ và đôi câu đối, phía bên trên là cửa võng và biến đại tự Nâm phúc tứ dân (Ban phúc cho nhân dân). Hậu cung 3 gian cũng có kiểu vì chồng rường giá chiêng. Gian trong cùng là nơi đặt thần tượng thành hoàng. Tượng mặc phẩm phục, ngồi trong khám, tay buông trên gối, bên trên có biển Đại tự Cảnh Phúc hành man (năm 1909). Gian bên ngoài đặt một ngai thờ và bát hương công đồng. Hậu cung còn lưu giữ hai long ngai thời Nguyễn, có trang trí mỹ thuật đẹp. Khuôn viên di tích có nhiều cây cổ thụ: đa, đề, mít và một hồ nước rộng... 

Lễ hội chính của đình là ngày 11,12,13 tháng 11 âm lịch hàng năm. Đây là lễ kỳ phúc của làng. Lễ vật là lợn, gạo nếp... do các dòng họ dâng ra đình. Đình có một mẫu ao, các giáp thay nhau thầu để lấy hoa lợi làm lễ kỳ phúc. Ngày 11, dần làng rước bắt hương từ Miếu Triều Rồi về đình, ngày 12 tế tại đình, ngày 13 rước trở lại miếu. Hội làng có các trò chơi: Cầu thùm, chọi gà, đánh cờ... 

Đình Thượng Lộc là trung tâm sinh hoạt văn hóa làng xã của nhân dân thôn Đan Điền nói riêng và xã Dũng Tiến nói chung.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới